TÓM TẮT
Lan Dendrobium officinale Kimura et Migo. (Thạch hộc Thiết bì) là giống lan quý được sử dụng làm thuốc và thực phẩm chức năng chữa bệnh tiểu đường và các bệnh nan y đang được thương mại hóa rộng rãi trên thế giới. Kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ: Nhân giống bằng gieo hạt trên môi trường VW+ 10g sucrose + 6g agar + 100ml nước dừa (ND)/lít môi trường, nhân nhanh cụm chồi tốt nhất trên môi trường MS + 100ml ND + 20g sucrose + 6g agar + 60g chuối chín/lít môi trường. Nhân giống vô tính thông qua nuôi cấy đoạn thân mang mắt ngủ sử dụng đoạn thân in vitro mang 2 mắt ngủ và nuôi cấy trên môi trường MS + 20g sucrose + 10% ND + 0,5 mg/l BA + 0,5mg/l α-NAA + 6g agar/lít môi trường. Môi trường tạo cây hoàn chỉnh là RE + 10g sucrose + 6g agar + 0,3g THT + 0,5 mg/l α NAA.
Từ khóa: Dendrobium officinale Kimura et Migo., đoạn thân mang mắt ngủ, nhân nhanh, quả lan.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Lan Dendrobium officinale Kimura et Migo. (Thạch hộc Thiết bì) có trong tự nhiên với nhiều giá trị dược học như chống ung thư, chống lão hóa, tăng sức đề kháng của cơ thể, làm dãn mạch máu và kháng đông máu, được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng, làm các bài thuốc và đặc biệt là chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp (Kowitdamrong, 2013; Chu, 2014). Hiện nay Dendrobium officinale Kimura et Migo. phân bố rất phân tán và không liên tục do hậu quả của sự tàn phá môi trường sống bởi các hoạt động đốn gỗ và khai thác quá mức của con người đã khiến cho giống lan này tiệt chủng, trở thành loài có nguy cơ liệt vào danh sách các loài cần được bảo vệ (Gu, 2007).
Nhiều loài lan quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên thường được bảo tồn nhờ phương thức nảy mầm từ hạt (Kauth, 2005). Với công nghệ nhân giống in vitro hiện nay, hệ số nhân giống từ một quả lan là rất lớn, từ vài ngàn đến một triệu cây con (Trần Văn Minh, 2001). Đã có các tác giả trong và ngoài nước nhân giống lan Dendrobium sp. bằng phương pháp gieo hạt lan trên nền môi trường MS có bổ sung 0,5mg/l NAA(Luan et al., 2006). Nguyễn Văn Song (2011) cũng nhân nhanh in vitro loài lan rừng có nguy cơ tuyệt chủng với nguồn nguyên liệu ban đầu là gieo hạt trên môi trường MS + 15% đường sacarose + 2,0 mg/l BA. Trong 3 năm gần đây Viện Sinh học Nông nghiệp đã thành công khi áp dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống một số loài lan bản địa làm dược liệu thuộc chi Hoàng Thảo có nguy cơ bị tuyệt chủng (Nguyễn Thị Sơn và cs., 2012; 2013; Vũ Ngọc Lan và cs., 2013).
Để chủ động nguồn cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh phục vụ cho phát triển sản xuất phục vụ nhu cầu nội tiêu cũng như xuất khẩu thì nhiệm vụ nhân giống lan bằng phương pháp nuôi cấy mô là hướng đi đúng đắn nhằm bổ sung thêm giống lan thuốc, đẩy mạnh phát triển loại lan dược liệu quý hiếm cho Việt Nam.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
2.1. Vật liệu
Nghiên cứu được tiến hành trên giống Thạch hộc thiết bì (Dendrobium officinale Kimura et Migo.) từ Viện Sinh học Nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu thu thập tại Triết Giang - Trung Quốc. Sử dụng quả và đoạn thân in vitro mang mắt ngủ.
2.2. Phương pháp
Các thí nghiệm sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (Gamborg and Phillips, 1995). Môi trường sử dụng trong thí nghiệm là Vacin & Went (1949), Murashige & Shoog (1962), Hyponex (N:P:K = 6,5:6:19), Robert Ernst (1979): 6,2 g/l agar, 10-20 g/l saccarose tùy từng giai đoạn của thí nghiệm và 100 mg/l inositol), có bổ sung các dịch nghiền: Nước dừa (ND), táo, chuối, khoai tây, cà rốt… hoặc chất điều tiết sinh trưởng tùy từng giai đoạn thí nghiệm. Cách làm dịch nghiền: quả táo đỏ, cà rốt để cả vỏ rửa sạch, chuối tiêu chín bỏ vỏ, xay nhỏ mịn riêng từng loại; khoai tây để cả vỏ rửa
sạch luộc chín dùng cả nước luộc xay nhỏ mịn. pH môi trường là 5,8. Môi trường nuôi cấy được hấp khử trùng ở 121 0C trong 20 phút ở áp suất 1atm. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên CRD, 3 lần nhắc lại. Mỗi lần nhắc lại 10 mẫu/công thức được đo đếm và quan sát định kỳ 2 tuần/lần.
Nhân giống từ hạt trên 3 loại môi trường Môi trường sử dụng trong thí nghiệm là Vacin & Went (1949), Murashige & Shoog (1962), Hyponex (N:P:K = 6,5:6:19), Robert Ernst (1979) để tạo nguồn vật liệu ban đầu. Xác định môi trường nền nhân nhanh cụm chồi và ảnh hưởng của dịch nghiền củ quả đến khả năng nhân nhanh chồi trên môi trường nền MS. Sử dụng các chồi thu được từ thí nghiệm trên cắt thành các đoạn thân mang 1-2-3-4 mắt ngủ và được đưa vào nuôi cấy trên môi trường nền MS để tìm hiểu ảnh hưởng của số đốt đến sinh trưởng của chồi. Sử dụng đoạn thân mang 2 mắt ngủ bổ sung kết hợp BA với NAA theo tỷ lệ khác nhau nhằm tăng khả năng sinh trưởng chồi. Các chồi thu được ở thí nghiệm trên được sử dụng cấy vào các nền môi trường khác nhau sau đó bổ sung NAA ở các nồng độ khác nhau để tạo cây hoàn chỉnh.
Các chỉ tiêu theo dõi tiến hành theo phương pháp nghiên cứu nông sinh học thông dụng: Tỷ lệ mẫu sống và phát sinh chồi, số lượng chồi trung bình (TB)/bình, số lượng chồi TB/cụm, hệ số nhân chồi, chiều cao chồi TB, số chồi TB, số lá TB, đường kính chồi TB, hình thái chồi, Tỷ lệ chồi tạo rễ, số rễ TB/chồi, chiều dài rễ TB.
2.3. Xử lý số liệu
Số liệu được phân tích phương sai (ANOVA) một nhân tố, phân tích hậu kiểm Fisher’s PLSD với mức P ≤ 0,05 bằng phần mềm Microsoft Excel, IRRISTAT 4.0 và SPSS 11.5
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Nhân giống bằng gieo hạt
3.1.1. Khử trùng quả lan
Nhiều công trình nghiên cứu trong nước vàthế giới trên đã công bố kết quả nghiên cứu khử trùng mẫu quả của các giống lan (Millner et al., 2008) (Hoàng Thị Nga và cs., 2008). Kế thừa các kết quả đó chúng tôi tiến hành khử trùng quả lan 5 tháng tuổi theo công thức: khử trùng bằng xà phòng → rửa dưới vòi nước chảy → rửa sạch quả lan bằng cồn → lắc đều trong dung dịch Johnson 15 phút (trong tủ cấy) → rửa lại 2 lần bằng nước cất (trong tủ cấy) → lắc đều trong dung dịch Johnson 3 phút (trong tủ cấy) → rửa lại 3 lần bằng nước cất (trong tủ cấy) → Gắp quả ra và xẻ lấy hạt cấy vào môi trường đã được chuẩn bị sẵn.
Quả lan sau khi được khử trùng, xẻ lấy hạt cấy vào các môi trường nền: MS (Murashige & Shoog, 1962), VW (Vacin & Went, 1949), Hyponex. Hạt lan mới gieo sẽ rất mịn và có màu vàng chanh. Sau 8 tuần nuôi cấy thu được kết quả ở bảng 1.
Bảng 1. Kết quả gieo hạt lan Dendrobium officinale Kimura et Migo
Ghi chú: +++: chất lượng tốt, màu xanh đậm; ++: chất lượng trung bình, màu xanh; +: chất lượng kém, màu xanh nhạt
Kết quả bảng 1 cho thấy gieo hạt lan trên 3 loại môi trường (MS, VW và H) sau 8 tuần nuôi cấy, các hạt đã nảy chồi 100% trên nền môi trường MS và VW. Hạt gieo trên nền môi trường VW cho tỷ lệ hạt có màu xanh cao nhất, sau 6 tuần nuôi cấy cho tỷ lệ mẫu phát sinh chồi cao nhất (100%). Hạt được gieo trên nền môi trường H cho tỷ lệ mẫu có màu xanh thấp nhất sau 8 tuần nuôi cấy.
Về hình thái, chồi tốt nhất trên môi trường nền VW (đồng đều màu xanh bóng, không bị xốp, không bị mọng nước, chồi phát triển mạnh không bị biến dị), tiếp đến là MS. Vì vậy, môi trường VW + 10g sucrose/lít môi trường + 6g agar/lít môi trường + 10% ND là môi trường thích hợp nhất
cho sự nảy mầm của hạt lan D. officinale Kimura et Migo.
Vật liệu vào mẫu (Sau 4 tuần nuôi cấy) Mẫu gieo trên môi trường VW (8 tuần)
Hình 1. Kết quả gieo hạt lan Dendrobium officinale Kimura et Migo
3.1.2. Nhân nhanh cụm chồi
a. Ảnh hưởng của nền môi trường nuôi cấy đến khả năng nhân nhanh cụm chồi
Việc xác định được môi trường tối ưu để nuôi cấy nhân nhanh chồi, làm tăng hệ số nhân, đồng thời các chồi đều đạt chất lượng tốt không bị biến dị trước khi chuyển sang môi trường tạo cây hoàn chỉnh là một yêu cầu không thể thiếu trong nhân in vitro. Mỗi công thức cấy 3 bình, mỗi bình thí nghiệm 5 cụm chồi có chiều cao 7mm, mỗi cụm có chứa 05 chồi.
Bảng 2. Ảnh hưởng của môi trường nền đến khả năng nhân nhanh cụm chồi (sau 4 tuần nuôi cấy)
Theo kết quả trình bày trên bảng 2 cho thấy: Các công thức khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến số chồi/cụm và hệ số nhân (HSN) chồi của giống lan nghiên cứu. Môi trường MS (CT1) rất phù hợp cho quá trình tăng nhanh về số lượng chồi (14,02 chồi/cụm) và HSN chồi (2,8 lần/4 tuần) trong nuôi cấy cụm chồi. Môi trường MS và VW cho số lượng chồi, HSN chồi thấp hơn so với nền môi trường MS lần lượt là (12,29 chồi/cụm; 2,46 lần/4 tuần) và (12,09 chồi/cụm; 2,42 lần/4 tuần). Môi trường VW (CT4) cho số chồi/cụm (10,49 chồi) và HSN (2,1 lần) là thấp nhất sau 4 tuần nuôi cấy. Ở độ tin cậy 95%, số chồi/cụm và HSN chồi ở CT1 sai khác có ý nghĩa so với các công thức khác. Như vậy, môi trường nuôi cấy được lựa chọn trong nhân nhanh cụm chồi lan D. officinale Kimura et Migo. là môi trường MS + 20g sucrose + 10% nước dừa + 6g agar/lít môi trường.
b. Nghiên cứu ảnh hưởng của dịch nghiền củ, quả đến khả năng nhân nhanh cụm chồi
Cấy vào mỗi bình thí nghiệm 5 cụm chồi có chiều cao 7mm, mỗi cụm có chứa 05 chồi được đưa vào nuôi cấy trên nền môi trường MS có bổ sung các dịch nghiền (khoai tây, cà rốt, táo, chuối) qua đó xác định được ảnh hưởng của các chất bổ sung này đến khả năng nhân nhanh của cụm chồi. Kết quả được thể hiện ở bảng 3.
Hình 2. Kết quả nhân nhanh chồi trên các môi trường nền (sau 4 tuần nuôi cấy)
Bảng 3. Ảnh hưởng của dịch nghiền củ, quả đến khả năng nhân nhanh cụm chồi (sau 8 tuần)
Ghi chú: ++, +: Sắc xanh vừa, xanh nhạt của cụm chồi; a: Thân mập; b: Thân trung bình; c: Thân mảnh; ĐC = Môi trường MS + 100ml ND+ 20g sucrose + 6g agar/lít môi trường
Kết quả cho thấy ở các công thức bổ sung riêng lẻ các dịch nghiền vào môi trường nuôi cấy thì CT5 (60 gam chuối chín/lít môi trường) cho số chồi TB/cụm nhiều nhất (16,20 chồi/cụm) và HSN chồi cao nhất (đạt 3,24 lần). Các công thức có bổ sung kết hợp các dịch nghiền vào môi trường nuôi cấy không cho kết quả vượt trội theo tính cộng hợp mà ở các công thức từ CT6- CT11 đều cho các chỉ tiêu số chồi/cụm và HSN chồi thấp hơn CT5. Điều này cho thấy việc kết hợp các chất tự nhiên vào cùng môi trường nhân chồi không mang lại hệ số nhân chồi tăng cao như mong muốn. Ở độ tin cậy 95%, số chồi/cụm thu được và HSN chồi đạt được sau 8 tuần nuôi cấy ở công thức 5 cao hơn so với các công thức khác. Môi trường MS + 100ml ND + 20g sucrose + 6g agar + 60g chuối chín/lít môi trường là tối ưu cho nhân nhanh cụm chồi loài lan nghiên cứu. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Vũ Ngọc Lan và cs., (2013) khi nhân nhanh cụm chồi lan thuốc D.nobile Lindl. Kết quả nghiên cứu trên lan hài Hằng (P. hangianum Gurss.) khi nhân nhanh chồi cho biết cần bổ sung lượng chuối cao hơn, lên đến 100g chuối/lít môi trường (Hoàng Thị Giang và cs., 2010).
3.2. Nhân giống vô tính thông qua nuôi cấy đoạn thân in vitro mang mắt ngủ
3.2.1. Ảnh hưởng của số đốt trên đoạn thân in vitro đến sinh trưởng chồi
Cây lan in vitro được cắt thành những đoạn mang 1-2-3-4 mắt ngủ và được đưa vào nuôi cấy trên môi trường nền MS để tìm hiểu ảnh hưởng của số đốt trên đoạn thân in vitro đến sinh trưởng của chồi.
Kết quả cho thấy các đoạn thân mang mắt ngủ đều tái sinh chồi. Đoạn thân mang 2 mắt ngủ cho sinh trưởng mạnh nhất, thể hiện qua chiều cao chồi, đường kính chồi, số chồi và màu sắc lá xanh tốt hơn hẳn so với các công thức còn lại. Do đó, thân mang 2 mắt ngủ được chọn để bố trí thí nghiệm tiếp theo.
Bảng 4. Ảnh hưởng của số trên đoạn thân đến sinh trưởng chồi in vitro (sau 8 tuần)
3.2.2. Ảnh hưởng của BA kết hợp NAA đến sinh trưởng của đoạn thân mang 2 mắt ngủ in vitro
Tỷ lệ auxin/cytokinin rất quan trọng đối với sự phát sinh hình thái trong các hệ thống nuôi cấy. Sự kết hợp auxin và cytokinin với một tỷ lệ nhất định đôi khi không những cải thiện được khả năng tái sinh mà còn làm tăng sự sinh trưởng của chồi. Do vậy, nghiên cứu này tiến hành thử nghiệm các công thức tạo sự phát sinh hình thái với các tổ hợp của BA và NAA ở các nồng độ khác nhau.
Kết quả bảng 5 cho thấy, bổ sung nồng độ BA kết hợp với αNAA hợp lý vào môi trường nuôi cấy là rất hiệu quả cho tái sinh chồi giống lan nghiên cứu từ đoạn thân mang mắt ngủ. Tỷ lệ mẫu phát sinh hình thái, tạo chồi, số chồi/mẫu và chiều cao chồi thu được trên môi trường chứa BA và αNAA cao hơn so với công thức đối chứng. Sau thời gian 8 tuần đều có sự khác nhau về giá trị của các chỉ tiêu nghiên cứu. Môi trường MS có bổ sung BA (0,5 mg/l môi trường) + αNAA (0,2 mg/l môi trường) tốt nhất cho việc phát sinh hình thái chồi; chiều cao chồi; số chồi; số lá/chồi. Chiều cao chồi là 6,26cm; số chồi trung bình/đoạn thân là 8,00; số lá trung bình là 8,10 lá/chồi, lá có màu xanh đậm, mập. Như vậy, môi trường MS + 20g sucrose + 10% ND + 0,5 mg/l BA + 0,5 mg/l α-NAA+ 6g agar/lít môi trường là thích hợp cho việc phát sinh chồi giống lan D. officinale Kimura et Migo. tương tự với kết quả của Li (2012) khi nghiên cứu nhân nhanh giống lan này tại Trung Quốc.
Bảng 5. Ảnh hưởng của BA + NAA đến sinh trưởng của đoạn thân mang 2 mắt ngủ in vitro (sau 8 tuần)
Ghi chú: ĐC = Môi trường MS + 20g sucrose + 10% nước dừa (ND)+ 6g agar/lít môi trường
Hình 3. Ảnh hưởng của BA kết hợp NAA đến sinh trưởng của đoạn thân mang 2 mắt ngủ in vitro (sau 8 tuần)
3.3. Tạo cây hoàn chỉnh
3.3.1. Ảnh hưởng của nền môi trường nuôi cấy đến khả năng tạo rễ của chồi
Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhân nhanh in vitro. Với mục đích tạo cây con có sức sống cao, đạt tiêu chuẩn ra cây. Tiến hành lấy chồi thu được từ các thí nghiệm trên tách riêng rẽ cấy trên 7 môi trường nền khác nhau, mỗi công thức cấy 3 bình, mỗi bình cấy 5 chồi, mỗi chồi có chiều cao 3cm, 3 lá. Kết quả sau 30 ngày nuôi cấy được thể hiện qua bảng 6.
Bảng 6. Ảnh hưởng của nền môi trường đến khả năng ra rễ của chồi (sau 30 ngày nuôi cấy)
Ghi chú: D là ngày
Kết quả bảng 6 cho thấy: sau 30 ngày nuôi cấy, ở tất cả các công thức với nền môi trường khác nhau đều cho tỷ lệ chồi tạo rễ là 100%. Trên nền môi trường RE (CT5) cho số rễ nhiều nhất là 3,53 rễ/chồi. Về chỉ tiêu chiều dài trung bình/rễ, nuôi cấy trên môi trường RE cũng cho giá trị cao hơn so với các môi trường khác là 2,8cm. Vậy, nuôi cấy chồi lan D. officinale Kimura et Migo. trên môi trường RE + 10g sucrose + 6g agar + 0,3g THT/lít môi trường là tối ưu để tạo cây hoàn chỉnh.
3.3.2. Nghiên cứu ảnh hưởng của α-NAA đến khả năng sinh rễ của chồi
Đối với nuôi cấy mô và tế bào thực vật, auxin được sử dụng để kích thích phân chia tế bào và phân hóa rễ. Những auxin thường dùng rộng rãi trong nuôi cấy mô và tế bào thực vật là αNAA, IAA… Để tăng khả năng ra rễ cho chồi giống lan D. officinale Kimura et Migo. chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm với 5 công thức trên nền môi trường RE có bổ sung nồng độ α-NAA khác nhau. Sau 30 ngày nuôi cấy và theo dõi thu được kết quả như sau:
Bảng 7. Ảnh hưởng của αNAA đến khả năng ra rễ của chồi (sau 30 ngày nuôi cấy)
Ghi chú: ĐC = Môi trường RE + 10g sucrose+ 6g agar + 0,3g THT/lít môi trường); D: ngày
Hình 5. Kết quả ra rễ của chồi lan Dendrobium officinale Kimura et Migo. trên môi trường RE có bổ sung αNAA (sau 30 ngày nuôi cấy)
Các công thức có bổ sung αNAA và ĐC sau 10 ngày nuôi cấy đều cho số chồi tạo rễ đạt 100% nhưng số rễ/cây và chiều dài rễ ở các công thức khác nhau là khác nhau. Ở CT3 có bổ sung 0,5mg αNAA/lít môi trường nuôi cấy cho số rễ nhiều nhất là 4,51 rễ/chồi và chất lượng rễ là tốt nhất. Tuy nhiên, trên môi trường có bổ sung αNAA nhiều hơn (CT4, CT5) hoặc ít hơn (CT2) thì cây có số rễ ít hơn và chất lượng rễ kém hơn. Vậy, trên môi trường RE +10g sucrose+ 6g agar + 0,3g THT/lít môi trường bổ sung 0,5mg αNAA/lít môi trường vào môi trường nuôi cấy chồi lan D. officinale Kimura et Migo. là tối ưu để tạo cây hoàn chỉnh.
4. KẾT LUẬN
Môi trường VW + 10g sucrose + 6g agar + 100ml ND/lít môi trường là tối ưu ở giai đoạn nuôi cấy khởi động hạt lan D. officinale Kimura et Migo., tỷ lệ hạt nảy mầm là 100%. Môi trường nuôi cấy tối ưu để nhân nhanh cụm chồi giống lan D. officinale Kimura et Migo. là MS + 100ml ND + 20g sucrose + 6g agar + 60g chuối chín/lít môi trường, hệ số nhân chồi đạt 2,8 lần/sau 4
tuần nuôi cấy.
Nhân giống vô tính thông qua nuôi cấy đoạn thân mang mắt ngủ: Đoạn thân in vitro mang 2 mắt ngủ và nuôi cấy trên môi trường MS + 20g sucrose + 10% ND + 0,5 mg/l BA + 0,5mg/l αNAA+ 6g agar/lít môi trường là thích hợp cho chiều cao chồi là 6,26cm; số chồi trung bình/đoạn thân là 8; số lá trung bình là 8,10 lá/chồi, lá có màu xanh đậm, mập.
Môi trường RE + 10g sucrose+ 6g agar+ 0,3g THT + 0,5 αNAA/lít môi trường là tối ưu ở giai đoạn tạo cây hoàn chỉnh giống lan D. officinale Kimura et Migo. với tỷ lệ cây ra rễ đạt 100%, số rễ trung bình là 4,51 rễ/chồi; chiều dài rễ trung bình là 3,19cm sau 30 ngày nuôi cấy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hoàng Thị Giang, Nguyễn Quang Thạch, Mạch Hồng Thắm, Đỗ Thị Thu Hà (2010). Nghiên cứu nhân giống in vitro và nuôi trồng giống lan hài quý P. hangianum perner Gurss (Hài Hằng) thu thập ở
Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Phát triển, 8(2): 194-201.
Vũ Ngọc Lan, Nguyễn Thị Lý Anh (2013). Nhân giống in vitro loài lan bản địa Dendrobium nobile Lindl. Tạp chí Khoa học và Phát triển, 11(7): 917-925.
Trần Văn Minh, Nguyễn Văn Uyển (2001). Vi nhân giống phong lan nhóm Dendrobium trên quy mô
công nghiệp, nhân giống in vitro. Tạp chí Khoa học Công nghệ, 1: 9.
Hoàng Thị Nga, Nguyễn Quang Thạch, Đỗ Đức Thịnh, Hoàng Minh Tú (2008). Xây dựng quy trình nhân nhanh giống địa lan Hồng hoàng (Cymbidium iridioides) bằng kỹ thuật nuôi cấy mô. Tạp chí
Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp, 4: 387-394.
Nguyễn Văn Song và cs. (2011). Nhân nhanh in vitro lan Kim Điệp (Dendrobium chrysotoxum) - một loài lan rừng có nguy cơ tuyệt chủng. Tạp chí khoa học ĐH Huế, 64: 127-136.
Nguyễn Thị Sơn, Nguyễn Thị Lý Anh, Vũ Ngọc Lan, TrầnThế Mai (2012). Nhân giống in vitro loài lanDendrobium fimbriatum Hook. (Hoàng Thảo Longnhãn). Tạp chí Khoa học và Phát triển, 10(2): 263 - 271
Nguyễn Thị Sơn, Trần Thế Mai, Hoàng Thị Nga,Nguyễn Thị Lý Anh, Nguyễn Quang Thạch (2013).
Nghiên cứu ứng dụng hệ thống bioreactor plantima trong nhân giống loài lan Hoàng Thảo Thạch hộc (Dendrobium nobile Lindl.). Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2: 28-34.
Anjum S, Zia M and Chaudhary MF (2006). Investigation of diffirent strategies for high frequency regeneration of Dendrobium malones “Victory”. Afican Journal of Biotechnology, 5(19):
1738-1743
Chu Chu, Huimin Yin, Li Xia, Dongping Cheng, Jizhong Yan, and Lin Zhu (2014). Discrimination of
Dendrobium officinale and Its Common Adulterants by Combination of Normal Light and Fluorescence Microscopy. Molecules, 19(3): 3718-3730.
Helen J. Millner, Abraham Obeng, Alison R. McCrea, and Timothy C. Baldwin (2008). Axenic seed germination and in vitro seedling development of Restrepia brachypus (Orchidaceae). Journal of the
Torrey Botanical Society, 135(4): 497-505.
Kalimuthu K, Senthikumar R and Vijaykumar S (2006). In vitro micropropagation of orchid,
Oncidium sp. (Dancing Dolls). Afican Journal of Biotechnology, 6(10): 1171-1174.
Kauth P. (2005). In vitro seed germination and seedling development of Calopogon tuberosus and Sacoila lanceolata var. lanceolata: Two Florida native terrestrial orchids, Master thesis, University of
Florida Kowitdamrong, A.; Chanvorachote, P.; Sritularak, B.; Pongrakhananon, V. (2013). Moscatilin inhibits lung cancer cell motility and invasion via suppression of endogenous reactive oxygen
species. Biomed. Res. Int., 765894.
Luan VQ, Thien NQ, Khiem DV and Nhut DT (2006). In vitro germination capacity and pant recover of some native and rare orchids, Processding of Internation Workshop on Biotechnology of
Agriculture, p. 175-177. Li Hong -lin, Zan Yan-yan, Yang Bo (2012).
Tissue culture of Dendrobium officinale Kimura et Migo., Subtropical Plant Science , 41(3): 76-77.
McKendrick (2000). In vitrogermination of orchids: a manual, Ceiba Foundation for Tropica
Conservation, p. 1-17
S.Gu, X. Y. Ding, Y. Wang, Q. Zhou, G. Ding, X. X. Li and Qian (2007). Isolation and characterization of microsatellite markers in Dendrobium officinale,an endangered herb endemic to China. MolecularEcology Notes, 7: 1166-1168.
Nguồn: Nguyễn Thị Sơn và ctv. NHÂN GIỐNG IN VITRO LAN DENDROBIUM OFFICINALE KIMURA ET MIGO (THẠCH HỘC THIẾT BÌ).Tạp chí Khoa học và Phát triển 2014, tập 12, số 8: 1274-1282
NHÂN GIỐNG IN VITRO LAN DENDROBIUM OFFICINALE KIMURA ET MIGO THẠCH HỘC THIẾT BÌ
4/
5
Oleh
Unknown