Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

GIÁ TRỊ DƯỢC LIỆU CỦA CÂY LAN THẠCH HỘC TÍA DENDROBIUM OFFICINALE



TÓM TẮT


Thạch hộc thiết bì (Dendrobium officinale) là một loài thuộc chi Dendrobium, họ lan (Orchidaceae). Ngoài giá trị thẩm mỹ, nó còn có giá trị dược liệu, được sử dụng phổ biến trong nền y học cổ truyền của nhiều nước châu Á. Theo các tài liệu dược học cổ truyền, thạch hộc thiết bì có tác dụng bổ âm, tân sinh, chữa chứng hỏa hư, trị đau dạ dày, đau thượng vị, bồi bổ đôi mắt, chống lão hóa… Các nghiên cứu gần đây khẳng định giá trị dược học của loại thảo dược này về khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, điều hòa đường huyết, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, ổn định hệ vi sinh đường ruột…

Từ khóa: thạch hộc thiết bì, phong đấu, dược liệu, Dendrobium


1. GIỚI THIỆU


Ngày nay, việc sử dụng các loại thực phẩm cũng như các hợp chất có nguồn gốc từ thực vật trong công tác phòng trị bệnh, làm thực phẩm chức năng được các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất quan tâm. Nhờ có nguồn gốc tự nhiên, cơ thể con người dễ dung nạp, hòa hợp và có những ưu điểm riêng. Hầu hết các vị thuốc trong y học cổ truyền đã được sử dụng từ rất lâu, đều đã được sàng lọc qua nhiều thế hệ. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những hiểu biết về thành phần hóa học, tác dụng dược lý cũng như cơ chế tác dụng của các loại thảo dược ngày càng được củng cố.

Họ lan (orchidaceae) từ lâu đã được biết đến nhờ giá trị về mặt thẩm mỹ. Bên cạnh đó, nhiều loài trong họ thực vật này cũng có giá trị dược liệu, đóng góp rất nhiều vào nền y học cổ truyền của nhiều
nước trên thế giới. Bài viết tổng hợp các tài liệu nghiên cứu về giá trị dược liệu của cây lan Thạch hộc thiết bì (Dendrobium officinale), một loại thực vật dược quý giá.


2. VỊ THUỐC THẠCH HỘC


Theo Đỗ Tất Lợi [1] thì Thạch hộc (Caulis Dendrobii) là thân phơi hay sấy khô của nhiều loài Thạch hộc hay Hoàng thảo như  Dendrobium nobile, D. simplicissimum, D. dalhousieanu D. gratiosissimum, D. crumenatum, D. officinale…

Dendrobium nobile là loài cây phụ sinh trên những cành cây thật cao, thân mọc thẳng đứng cao độ 0,3-0,6 m, thân hơi dẹt, phía trên hơi dày hơn, có đốt dài 2,5-3 cm, có vân dọc. Lá hình thuôn dài, phía cuống tù, gần như không cuống, ở đầu hơi cuộn hình nón, dài 12 cm, rộng 2-3 cm trên có 5
gân dọc. Cụm hoa mọc thành chùm 2-4 hoa trên những cuống dài 2-3 cm. Hoa rất đẹp, to, màu hồng hay điểm hồng. Cánh môi hình bầu dục nhọn, dài 4-5 cm, rộng 3 cm cuộn thành hình phễu trong hoa, ở nơi họng hoa điểm màu tía

Thạch hộc hái về, cắt bỏ rễ con, lá phơi hoặc sấy khô hoặc cho vào chảo, đổ nước cho ngập rồi sàng ít vôi bột vào, đun sôi cho chín thạch hộc thì vớt ra, đem phơi cho hơi khô thì đem vào nhà lăn đi lăn lại cho tới khi bong hết vôi, các vẩy và lá

Thạch hộc thường được dùng chữa những bệnh sốt nóng, khô cổ, khát nước, người háo, bứt rứt khó chịu. Theo đông y, thạch hộc dưỡng âm sinh tân, dùng trong các bệnh tân dịch bất túc như miệng khô, cổ họng khô hay do tân dịch không đủ mà không muốn ăn, mắt nhìn kém, khớp xương sưng đau hay không có lực. Theo tài liệu cổ, thạch hộc vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh, vào 3 kinh phế, vị và thận. Có tác dụng dưỡng âm, ích vị sinh tân. Dùng chữa bệnh sốt, tân dịch khô kiệt. Một số đơn thuốc có
thạch hộc như:

1. Đơn thuốc chữa chứng ho, đầy hơi: thạch hộc 6 g, mạch môn 4 g, tỳ bà diệp 4 g, trần bì 4 g, nước 300 ml, sắc còn 200 ml. Chia lần 3 lần uống trong ngày.

2. Đơn thuốc chữa chứng hư lao, người gầy mòn: thạch hộc 6 g, mạch môn đông 4 g, ngũ vị tử 4 g, đảng sâm 4 g, trích cam thảo 4 g, câu kỷ tử 4 g, ngưu tất 4 g, đỗ trọng 4 g, nước 300 ml, sắc còn 200 ml.Chia lần 3 lần uống trong ngày.

3. CÂY LAN THẠCH HỘC THIẾT BÌ


Thạch hộc thiết bì có tên khác là thạch hộc tía, thạch hộc rỉ sắt thường sinh trưởng ở các vách đá, khe đá, hoặc phụ sinh trên cây cổ thụ, ở vùng cao núi đá, nhiệt đới, á nhiệt đới, độ cao từ 800-1000 m. Vỏ thân và biểu bì phiến lá có màu rỉ sắt hoặc đốm tím nên đặt tên là “thạch hộc rỉ sắt”. Thân cao 30-50 cm, thường mọc thành khóm nhiều giả hành. Lá mọc so le đều hai bên thân, thuôn dài, hầu như không cuống. Hoa to 4-4,5 cm xếp thành bó 2-4 cái ở sát nách lá, hoa tháng 3-4, quả tháng 5-6. D. officinale đứng đầu trong sách Thần Nông, công trình dược học đầu tiên của Trung Hoa cổ đại về các cây thuốc quý, được coi là thứ đứng đầu trong chín loại tiên dược trong kinh điển Đạo gia từ 1000 năm trước. Nó cũng được ghi trong Dược điển Trung Quốc 2010; giá trị sản lượng của Thạch hộc thiết bì đạt hàng tỷ NDT năm 2011. Thạch hộc thiết bì được chế biến thành phong đấu (TiepiFengdou) là một trong những thực phẩm chức năng được sản xuất và bán nhiều nhất ở Trung Quốc [2].


Dendrobium officinale và phong đấu 

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, Thạch hộc thiết bì tốt cho bổ âm sinh dịch, chữa chứng hỏa hư, trị đau dạ dày, đau thượng vị, bồi bổ đôi mắt. Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống ung thư, chống lão hóa, tăng sức đề kháng của cơ thể, làm dãn mạch máu và kháng đông máu, được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng, làm các bài thuốc và đặc biệt là chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp [3].

Theo Dược điển Trung Quốc thì trong D. officinale có dendrobium polysaccharides (23%), alkaloids (0,02-0,04%), amino-acids (135 mg/g cây khô), nhiều kim loại như Sắt (292 mcg/g), Kẽm (12 mcg/g), Mangan (52mcg/g), Đồng (3,6 mcg/g).

4. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU DƯỢC HỌC HIỆN ĐẠI VỀ THẠCH HỘC THIẾT BÌ


Những nghiên cứu khoa học ghi nhận D. officinale và các polysaccharide trong cây cải thiện, tăng cường sức đề kháng tế bào khi thử trên chuột. Nghiên cứu của Liu, X. F. và cs (2011) cho thấy khi cho chuột uống dịch chiết và các polysaccharide thô của D. officinale giúp tăng cường đáng kể khả năng miễn dịch tế bào và miễn dịch không đặc hiệu ở chuột, tăng sản sinh IFNgamma ở lách [4].

Polysaccharide của D. officinale gồm 6 monosaccharide: mannose, glucose, galactose, arabinose, xylose và acid glucuronic có khả năng ức chế sự thâm nhiễm của tế bào lympho và quá trình apoptosis, giúp cân bằng các cytokine ở tuyến dưới hàm, có vai trò hỗ trợ điều trị hội chứng Sjogren (Sjogren's syndrome (SS), một bệnh tự miễn toàn thân trong đó các tế bào miễn dịch tấn công và phá hủy các tuyến ngoại tiết sản xuất nước mắt và nước bọt, gây khô mắt và khô miệng) [5-8]. 

Linjing Xia và cs (2012), Meng L. Z. và cs (2013) nghiên cứu hoạt tính điều hòa miễn dịch của D. officinale cho thấy khả năng tăng sinh tế bào lách, tăng cường hoạt động của tế bào NK, khả năng thực bào và tiết oxide nitric của đại thực bào, cũng như sự tiết các cytokine như IL-1alpha, IL-6, IL-10 và TNF alpha của tế bào lách và đại thực bào trong thử nghiệm in vitro dịch chiết polysaccharide thô [9-10].

Nghiên cứu của Peng Cao và cs (2013) cho thấy tác dụng của bài thuốc “Pingliu Keli” (PK) (trong thành phần có dược liệu Thạch hộc thiết bì) trong việc gây độc dòng tế bào ung thư thần kinh ở người SHG-44 trong điều kiện in vitro. Tỷ lệ sống của tế bào SHG-44 giảm xuống dưới 20% khi xử lý bằng PK ở nồng độ 90 μg/ml trong 24h[11].

Nghiên cứu tác dụng của D. officinale trên hệ tiêu hóa cho thấy một polysaccharide (Dendronan) có tác dụng tốt, giúp điều hòa hệ vi sinh đường ruột, tăng hàm lượng các acid béo chuỗi ngắn SCFA, giảm pH ruột kết và thời gian hình thành phân [12].

Các polysaccharide từ D. officinale cũng có tác dụng kháng khuẩn. Thử nghiệm trên E. coli cho thấy nồng độ ức chế tối thiểu MIC là 0,5% và đường kính vòng ức chế là 15,8 mm. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng hiệu quả đối với Bacillus subtilis [13].

Hoạt tính chống oxy hóa của các polysaccharide tổng DCPP và polysaccharide tinh chế DCPP3c-1 (trích từ môi trường cấy mô protocorm D. officinale) đã được chứng minh qua các thử nghiệm in vitro. DCPP và DCPP3c-1có thể ức chế sự oxy hóa tế bào gan, sự peroxy hóa lipid ở ti thể tế bào gan [14].

Dịch chiết từ D. candium (D. officinale) có hoạt tính làm hạ đường khi thử trên chuột bị gây tăng đường trong máu bằng adrenaline và bằng streptozotocin do cách tác động kích thích sự bài tiết insulin từ tế bào beta, đồng thời ngăn sự bài tiết glucagon từ tế bào alpha, ngoài ra còn làm giảm sự phân hủy của glycogean trong cơ thể, làm tăng tổng hợp glycogen trong gan [15].

Ngoài ra, D. officinale là một trong 5 dược thảo có chứa chrysotoxene, erianin và confusarin là những chất có hoạt tính diệt bào khi thử (in vivo và in vitro) trên nhiều dòng tế bào ung thư khác nhau [16].

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, 2003, NXB Y Học.
[2] Dai Yan Ping, Research On Good Agricultural Practices Of Dendrobium Officinale, in
Agricultural extension. 2012, Zhejiang Forestry University.
[3] Chu, C., et al., Discrimination of Dendrobium officinale and Its Common Adulterants by
Combination of Normal Light and Fluorescence Microscopy. Molecules, 2014. 19(3): p. 3718.
[4] Liu, X.F., et al., Orally administered Dendrobium officinale and its polysaccharides enhance
immune functions in BALB/c mice. Nat Prod Commun, 2011. 6(6): p. 867-70.
[5] Lin, X., et al., Dendrobium officinale polysaccharides ameliorate the abnormality of aquaporin
5, pro-inflammatory cytokines and inhibit apoptosis in the experimental Sjogren's syndrome
mice. Int Immunopharmacol, 2011. 11(12): p. 2025-32.
[6] Lin, X., Protective effect of dendrobium officinale polysaccharides on experimental model of
Sjögren's syndrome, in HKU Theses Online (HKUTO). 2011, The University of Hong Kong
(Pokfulam, Hong Kong).
[7] Xiang, L., et al., Polysaccharides of Dendrobium officinale inhibit TNF-alpha-induced
apoptosis in A-253 cell line. Inflamm Res, 2013. 62(3): p. 313-24.
[8] Lin, X., et al., Polysaccharides of Dendrobium officinale induce aquaporin 5 translocation by
activating M3 muscarinic receptors. Planta Med, 2015. 81(2): p. 130-7.
[9] Xia, L., et al., Partial characterization and immunomodulatory activity of polysaccharides from
the stem of Dendrobium officinale (Tiepishihu) in vitro. Journal of Functional Foods, 2012. 4(1):
p. 294-301.
[10]Meng, L.Z., et al., Effects of polysaccharides from different species of Dendrobium (Shihu) on
macrophage function. Molecules, 2013. 18(5): p. 5779-91.
[11]Cao, P., et al., Growth Inhibition and Induction of Apoptosis in SHG-44 Glioma Cells by
Chinese Medicine Formula "Pingliu Keli". Evid Based Complement Alternat Med, 2011. 2011:
p. 1-9
[12]Zhang, G.Y., et al., Study on Dendrobium officinale O-Acetyl-glucomannan (Dendronan). 7.
Improving Effects on Colonic Health of Mice. J Agric Food Chem, 2015.
[13]Lei, L., D. ChangChun, and L. FuHui, Study on the antibacterial effects of two Dendrobium
polysaccharides. Medicinal Plant 2011. 2(2): p. 21-22.
[14]He, T.G., et al., Antioxidant Activity of Crude and Purified Polysaccharide from SuspensionCultured
Protocormns of Dendrobium candidum in Vitro. Chinese Traditional Patent Medicine,
2007. 29(9): p. 1265-1269.
[15]Wu, H.S., et al., Studies on anti-hyperglycemic effect and its mechanism of Dendrobium
candidum. Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, 2004. 29(2): p. 160-3.
[16]Yao, C., et al., eds. Functional foods based on traditional chinese medicine. Functional foods
based on traditional chinese medicine, nutrition, well-being and health., ed. J. ouayed. 2012.

Nguồn: Nguyễn Thanh Thuận (2015). GIÁ TRỊ DƯỢC LIỆU CỦA CÂY LAN THẠCH HỘC TÍA (DENDROBIUM OFFICINALE). Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 6 (25)

Related Posts

GIÁ TRỊ DƯỢC LIỆU CỦA CÂY LAN THẠCH HỘC TÍA DENDROBIUM OFFICINALE
4/ 5
Oleh

Subscribe via email

Like the post above? Please subscribe to the latest posts directly via email.